Tên gọi của bánh cáy làng Nguyễn bắt nguồn từ hạt nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (có màu vàng giống trứng con cáy nên bánh có tên gọi là bánh cáy). Vùng Thái Bình có nhiều nơi làm bánh cáy nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là loại bánh có xuất xứ từ làng Nguyễn, thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng. Món bánh quê tuy giản dị nhưng đòi hỏi quy trình chế biến tỉ mỉ, công phu. Hiện, toàn xã có khoảng 300 hộ làm bánh, cho sản lượng 120-150 tấn mỗi tháng.
Để làm được một mẻ bánh cáy làng Nguyễn, trước đó ít nhất khoảng nửa tháng, mỡ lợn đã được thái nhỏ hạt lựu rồi ướp trộn với đường cho thấm. Sau đó, gần đến lúc làm bánh, nguyên liệu này tiếp tục được đem xào cho đến khi khẩu mỡ đạt độ trong và giòn. Các phụ liệu như lạc, vừng cũng được bà con rang chín, xát nhẹ để bỏ vỏ. Cà rốt, gừng tươi, vỏ quýt tươi đem xào đường rồi để riêng.
Nếp làm bánh cáy làng Nguyễn phải là loại nếp cái hoa vàng vừa thơm vừa dẻo. Nếp được chia làm 3 phần, trong đó, hai phần để nấu xôi, một phần để làm bỏng (còn gọi là làm nẻ). Gạo nấu xôi tiếp tục đem chia đôi, một nửa nấu xôi gấc cho màu đỏ và nửa còn lại nấu với nước quả dành dành để tạo màu vàng tươi. Sau khi hai loại xôi đã chín, người dân đem trộn với nhau rồi giã nhuyễn. Hỗn hợp quyện đều tiếp tục được cán mỏng, cắt thành lát nhỏ dài như mứt bí rồi sấy khô. Phần gạo nếp còn lại, người dân rang thành bỏng cho nở bung, sau đó sàng sẩy sạch trấu để có mớ nẻ dậy mùi thơm.
Sau khi đã sơ chế hoàn chỉnh, người làm đem hỗn hợp trên trộn đều với mật mía và đổ vào chảo, đảo đều tay cho tới khi dậy mùi thì múc vào khuôn gỗ đã lót sẵn vừng bên trong để tạo hình. Bánh khi cứng lại được lấy ra khỏi khuôn và khoác lớp “áo vừng” bóng bẩy bên ngoài.
Bánh cáy làng Nguyễn thành phẩm đạt chất lượng phải đảm bảo độ ngọt vừa phải, thơm mùi lạc, vừng rang, ngậy vị của mứt bí, độ béo của xôi, dừa và vị cay cay của gừng… Khi cắn miếng bánh, thực khách sẽ cảm nhận được sự hòa quyện hương vị dẻo thơm, ngậy, bùi của những nguyên liệu từ ruộng đồng thông quê. Ẩn sau mỗi miếng bánh là cả quá trình làm tỉ mẩn, chất chứa tấm quê chân tình của người dân làng Nguyễn.
Xưa kia bánh cáy làng Nguyễn được làm hoàn toàn thủ công. Những năm gần đây, người dân làng Nguyễn bắt đầu áp dụng máy móc vào khâu sản xuất. Nhưng để sản xuất ra những chiếc bánh cáy làng Nguyễn ngon lại thuộc về tâm huyết của những người thợ đã bao đời nay gắn bó với món ăn cổ truyền của quê hương. Bánh cáy làng Nguyễn ngon là vừa đủ độ dẻo, ngọt, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi. Cắn miếng bánh thấy lạ miệng khi trong đó có mứt bí, gừng tươi cay nồng, tinh dầu hương bưởi quyến rũ, ăn bánh cáy mà uống thêm chén trà nóng là “đúng điệu”. Ngày lễ tết, cúng giỗ tổ tiên trên bàn thờ mỗi gia đình người Thái Bình không thể thiếu phong bánh cáy. Bánh cáy làng Nguyễn qua thời gian đã góp phần trở thành một đặc sản, một biểu tượng văn hóa ẩm thực của quê lúa Thái Bình
Hãy là người đầu tiên nhận xét “Bánh cáy Làng Nguyễn”