Không phải ngẫu nhiên Nam Định được mệnh danh là “đất trăm nghề”, nơi đây có hàng trăm làng nghề từ xa xưa từng nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam Hạ. Đến bất cứ nơi nào trong tỉnh, ta đều bắt gặp những di tích thờ các ông tổ nghề và các lễ hội tôn vinh nghề truyền thống. Nghề làm kẹo Sìu châu Nam Định đã nổi tiếng gần hai thế kỷ nay. Không chỉ người dân thành Nam mà du khách mọi miền đất nước, những người xa quê hương, mỗi lần nhớ về Nam Định đều nhớ đến hương vị mộc mạc mà thanh tao của kẹo Sìu châu Nam Định.
Kẹo Sìu châu Nam Định gần giống với kẹo lạc nhưng thơm và ngon hơn. Ngay cái tên kẹo Sìu châu cũng gây cho nhiều người sự tò mò, thích thú. Theo người dân Nam Định, cái tên kẹo Sìu châu đã có từ rất lâu đời và gắn liền với một cửa hàng làm kẹo ngon có tiếng. Kẹo này vốn là của một người họ Đỗ (Đỗ Phúc Nhật) quê ở Hưng Yên sang lập nghiệp ở Nam Định làm và nổi tiếng từ những năm 60 của thế kỉ XIX. Cửa hàng ở phố Hàng Sắt dưới là phố có rất nhiều người Thiều Châu, xế cửa đền Thiều Châu, mỗi khi mách nhau cách tìm mua kẹo người ta chỉ đến gần đền Thiều Châu, ban đầu gọi là “kẹo ở gần đền Thiều Châu” dần dần cho gọn, cho dễ nhớ người ta gọi là “kẹo Thiều Châu”, “kẹo Sìu Châu” và cuối cùng là “kẹo Sìu”.
Để làm được thứ kẹo Sìu thơm ngon, tinh khiết như vậy là cả một nghệ thuật lắm công phu. Nguyên liệu làm kẹo Sìu châu rất dễ kiếm, gồm lạc, vừng, đường, mạch nha. Lạc chọn làm kẹo phải được chọn lọc cẩn thận từ những hạt lạc to, mẩy, bóng vỏ và tròn, được xóc bằng nước sôi trôi đi hết bụi bẩn, rồi để khô, ráo nước mới cho vào rang. Khi rang chín phải giòn, thơm bùi, vỏ săn lại. Sau đó để nguội tách vỏ, bỏ nhân đắng bên trong. Vừng có thể là vừng trắng hoặc vừng đen, mỗi loại vừng sẽ làm cho kẹo Sìu ngon một vị và màu sắc cũng khác nhau. Vừng phải chọn vừng miền Trung ngâm nước loại bỏ vỏ. Sau đó phơi khô trước khi rang. Lưu ý rang vừng trong vòng 15 phút/mẻ với lửa nhỏ từ từ đến lớn. Sau khi vừng và lạc rang chín sẽ được tách vỏ, sẩy cho thật sạch.
Để nấu được kẹo Sìu châu, người thợ cần có đôi tay tinh tế, phải “dẻo tay” để giữ nhiệt độ ổn định của bếp và khó nhất là biết ước lượng tỷ lệ đường, lạc, mạch nha phù hợp với mỗi mẻ nấu. Kẹo nấu trong thời gian ngắn, thao tác nhanh nên người thợ kinh nghiệm phải nắm được bí quyết hoán đường đến độ nào thì mới cho đường vào. Kẹo ra lò có sắc nâu hồng và trong như hổ phách, ăn giòn tan, thơm lừng, ngọt đậm để lại dư vị khó quên. Kẹo Sìu Châu còn độc đáo ở kỹ thuật khử mùi hôi của dầu lạc, để lâu không ỉu.
Bước cuối cùng là đổ hỗn hợp kẹo còn nóng lên khay có bột nếp để kẹo chống ẩm và nhanh tay cán mỏng kẹo để cắt thành phên hay chia thành từng miếng vuông nhỏ cho vừa miệng. Những thanh kẹo được cắt ngắn, bám đầy một lớp bột trắng ngà, ăn vào rất giòn mà lại rất dễ nhai, có vị bùi của lạc hòa quyện với cái ngọt thanh, sắc của mạch nha trộn đường kính, có vị thơm của lạc rang hòa quyện cùng với cái thơm của mạch nha, bột nếp.
Ngày nay, kẹo Sìu Châu Nam Định được biết đến là thứ kẹo quê dân dã không thể thiếu khi Tết đến xuân về và là thứ kẹo ngon rất đỗi tự hào của vùng đất học, đất văn xứ Thành Nam. Nhà văn Nguyên Hồng đã miêu tả sự trân trọng của gia đình ông mỗi lần Tết về thăm quê ngoại nhất thiết phải có một cân kẹo Sìu Châu để Tết ông bà ngoại, trong cuốn “Một tuổi thơ văn”. Nhà thơ Xuân Diệu mỗi lần bình thơ Tú Xương đều không quên nhắc tới cái hương vị đậm đà mang sắc tộc Việt Nam của kẹo Sìu Châu Nguyên Hương. Nhạc sỹ Văn Ký đã đưa kẹo Sìu Châu vào một ca khúc trong vở nhạc kịch “Đảo xa” để khẳng định sự quý mến của nhân dân địa phương Nam Định đối với một thứ đặc sản quê hương. Ông Tú Xương xưa, bằng giọng thơ trào lộng đã phải lấy kẹo Sìu Châu Nam Định để so sánh với cái “mứt rận” của mình:
Kẹo chú Thiều Châu, đâu đọ được
Bánh bà Hanh Tụ, cũng thua xa.
Không phải ngẫu nhiên mà một món ăn quý ở địa phương lại được đi vào thi ca của dân tộc từ bình dân đến văn chương bác học như vậy!
Ở ngay thành phố Nam Định có rất nhiều cơ sở sản xuất kẹo Sìu châu với nhiều thương hiệu khác nhau. Thế nhưng, hỏi người dân nơi đây, đặc biệt là những cụ già, ai cũng chỉ về con đường Hàng Sắt và tấm tắc khen bởi nơi đây được gọi là “cha tổ” của nghề nức tiếng đất thành Nam, không đâu sánh bằng. Có thể nói, không chỉ là đặc sản riêng, là niềm tự hào của Nam Định, kẹo Sìu châu còn là thức quà quê dân giã gắn bó với mỗi người dân Việt mỗi khi Tết đến xuân về. Cùng với hoa mai, hoa đào khoe sắc, đĩa kẹo Sìu Châu Nam Định giòn tan, thơm bùi, thanh ngọt bên ấm trà sen nóng thơm càng tô điểm cho mùa xuân sang đầy sức sống.
Hãy là người đầu tiên nhận xét “Kẹo Sìu châu Nam Định”