Trà lá vối hay trà nụ vối non từ lâu đã trở thành thức uống phổ biến của người dân Việt Nam nơi thôn quê, được sử dụng thay trà xanh hay nước uống hàng ngày. Cây vối từ lâu đã đi vào thi ca Việt Nam:
Mẹ lên thành phố với con
Nhớ hoài cây vối vẫn còn dưới quê
Một năm may có dịp về
Mẹ ngồi bên gốc ủ ê nỗi buồn
Hắt hiu run rẩy cánh chuồn
Mây trời teo tóp mặt khuôn quê nhà
Quán hàng nước đầy Coca
Mẹ tôi ủ lá vối già làm vui
Thương cây gốc đã sần sùi
Ra đi Mẹ cứ ngậm ngùi vấn vương.
Hay
Ðêm rừng già đi nghe mưa rơi
Một mảnh áo tơi che chẳng kín người
Nước chảy qua môi, hớp từng ngụm nhỏ
Bỗng nhớ mẹ ngồi bên ấm giỏ
Nước vối mặn nồng ngọt ngào chuyện cũ
Ôi nhớ sao, Mảnh vườn quê hương ta đó
Cây vối già bạc phếch nắng mưa
Mỗi nhánh mốc gầy đều in dấu tuổi thơ
Tháng năm tới cành chỉ còn thấy nụ
Nụ chín vàng mẹ lấy vào dấm ủ
Hạt khô ròn trong nắng nhỏ xôn xao
Rồi những ngày ngâu tràn chum nước gốc cau
Những tháng rét trải rơm làm ổ ngủ
Bắc ấm nước mưa, con ngồi nhóm lửa
Nụ tích mấy mùa mẹ lại sẻ ra pha
Chén nước ấm nồng ngai ngái vị thuốc ta
Mà nhấp khỏi cứ ngọt ngào đầu lưỡi
Con ủ tay dưới nắp bông nóng hổi
Nghe rì rầm câu chuyện cũ năm nao
Có gà chín cựa, ngựa chín hồng mao
Trận thuỷ chiến nước dâng cuồn cuộn
Cô gái láng giềng lén sang nghe trộm
Bỗng hỏi dồn: Sơn Tinh thắng hay không?
Mẹ ơi, Quê ta đêm nay có nặng hạt mưa giông
ấm vối đặc chắc vẫn nồng trong giỏ
Tháng năm rồi, vối trong vườn kết nụ
Cô láng giềng còn hái giúp mẹ không?
Chúng con đi giữa rừng đêm mưa xối
Lòng vẫn ngọt ngào vị nước vối quê hương
Súng chắc trong tay, gạo cuốn bên sườn
Theo bước chân nhau gạt cây băng tới
Ðất nước mình còn đạn thù cày xới
Giục giã chúng con nhanh bước trong mưa
Mẹ hãy nói giùm con với cô gái tuổi thơ:
Ta sẽ thắng hơn Sơn Tinh thuở trước!
Con sẽ về với bao nhiêu hẹn ước
Bên ấm vối nồng kể lại mẹ những chiến công
Thoang thoảng đầu nhà nụ vối đưa hương
Cây vối có tên khoa học là Cleistocalyx operculatus, thuộc họ Sim (Myrtaceae). Cây mọc nhiều ở những vùng nhiệt đới còn ở nước ta thường mọc hoang dã hay được trồng nhiều ở miền Bắc. Cây vối là cây thân gỗ nhỏ chiều, cao trung bình chỉ khoảng chừng 5-6m. Lá vối thuôn dài, nhọn ở phần đầu, phiến lá vối dai, khá cứng, cuống lá dài khoảng 1-1,5cm. Lá vối có 2 loại là lá vối nếp và lá vối tẻ, lá có màu xanh mát mắt, có thể lớn hơn bàn tay người, hình thoi, thường lá vối tẻ kích thước to hơn lá nếp.
Hoa vối gần như không có cuống hoa, hoa thường mọc và nở thành từng chùm nhìn rất đẹp mắt, nở nhiều vào mùa xuân, màu lục nhạt, có khi là màu trắng tinh khôi. Lá, cành non và những nụ vối có mùi thơm rất dễ chịu, nhất là nụ. Các nụ hình tròn đan cài dày đặc vào nhau, thường nở hoa vào đầu tháng 6. Quả vối có màu đỏ thẫm giống với quả bồ quân, vị hơi chát có khi vị đắng, hình trứng, đường kính trung bình từ 7-12mm, khi chín nó có màu tím sẫm, bên trong chứa chất dịch.
Trà lá vối hay trà nụ vối được chế biến một cách đơn giản là hãm lấy nước uống thường ngày. Lá vối có thể dùng tươi hay phơi khô dùng dần. Tất cả các bộ phận của cây vối: lá, hoa, nụ, rễ… đều có thể dùng làm thuốc. Đặc biệt, lá, cành non, nụ vối đều có mùi thơm dễ chịu đặc trưng của vối và đều có thể dùng làm trà uống giải khát rất tốt vì ngoài nước ra, còn cung cấp một số muối khoáng và vitamin cần thiết. Trong y học cổ truyền, vối vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, sát trùng, hạ khí, tiêu đờm.
Theo các nhà khoa học của Viện Dinh dưỡng quốc gia và Đại học phụ nữ Nhật Bản: trong nụ vối có chứa một hàm lượng polyphenol cao (tương đương 128mg catechin/gam trọng lượng khô) và hoạt chất ức chế men alpha-glucosidase nên có thể hỗ trợ phòng và điều trị chứng tiểu đường. Nụ vối có khả năng hạn chế tăng đường huyết sau ăn và hỗ trợ ổn định đường huyết, hỗ trợ giảm lipid máu, phòng ngừa biến chứng của đái tháo đường khi sử dụng nước trà nụ vối non uống thường xuyên.
Các kết quả được tiến hành trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy nụ vối có khả năng triệt tiêu các gốc tự do, chống ô xy hóa mạnh (antioxydants), giúp làm giảm sự hình thành đục thủy tinh thể, bảo vệ sự tổn thương tế bào bê-ta tuyến tụy, phục hồi các men chống ô xy hóa trong cơ thể.
Ngoài ra kết quả nghiên cứu còn cho thấy lá và trà nụ vối non chứa tanin, khoáng chất và vitamin… khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu, đặc biệt chứa một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis. Chính vì vậy mà nụ vối sắc đặc được coi như một loại thuốc sát khuẩn dùng trị liệu các bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt hoặc lấy lá vối tươi nấu lấy nước đặc để gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.
Theo đông y, lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng có trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tannin bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn cao nhưng không làm tổn hại đến những loại vi khuẩn có ích cư trú trong ống tiêu hóa.
Bên cạnh đó uống nước lá vối còn giúp cơ thể giải khát, giải nhiệt, lợi tiểu, đào thải độc tố trong cơ thể ra ngoài… Với nhiều công dụng như vậy nên nước vối rất được ưa dùng nhất là trong những ngày hè nắng nóng. Lá vối nấu nước uống có khả năng trợ giúp chữa trị các bệnh chứng hoặc các tổn thương như bỏng, viêm gan, vàng da, viêm da lở ngứa. Đông y còn dùng vỏ cây vối làm thuốc để trị đau bụng, đầy trướng ăn không tiêu, nôn mửa… Lá và nụ vối còn giúp tiêu hóa thức ăn, nhất là thức ăn có nhiều dầu mỡ, giảm béo, lợi tiểu tiêu độc, hỗ trợ tiêu tích, làm tan các chất uric đào thải ra ngoài nên góp phần trong phòng ngừa, điều trị bệnh gout.
Thông thường để hãm trà người ta thường dùng nụ vối hoặc lá khô gọi là trà nụ vối non, vì lá vối tươi hơi ngái, có nhiều chất diệp lục, có tính kháng khuẩn mạnh nên phải ủ để phá hủy chất này, nước vối sẽ ngon hơn.
Lá hoặc nụ vối sau khi thu hoạch được rửa sạch nhựa, cho vào thùng, thúng, bồ,… rồi phủ rơm rạ cho đến khi đen đều thì lấy ra rửa sạch phơi khô. Nếu dùng chum, vại để ủ thì chất lượng sản phẩm sẽ ngon do chum, vại giữ được nhiệt và giữ được độ ẩm trong quá trình ủ. Lót lá chuối khô xuống đáy chum, lấy lá vối và các cuống con, bỏ các cuống già, các lá chết, cho vào chum, phía trên lớp lá vối lại phủ kín bằng lá chuối khô, sau đó úp sấp chum xuống mặt đất, để vào nơi thoáng mát, sau một thời gian lấy ra phơi thật khô rồi cất đi để dùng dần.
Quá trình ủ tốt là khi lấy ra phơi lá chín tới và chín đều, tức là sau khi ủ lấy ra phơi lá phải ngả màu vàng chuyển đen đều nhau. Lá vối ủ đúng cách thì được nước và uống thơm ngon hơn. Ở nông thôn người dân thường cất lá vối lên gác bếp vì ở bếp khô ráo luôn có khói và bồ hóng nên các vi khuẩn bị hạn chế phát triển, lá vối không bị ẩm mốc.
Phương thức nấu trà nụ vối non, lá vối rất đơn giản: lá vối khô rửa sạch cho vào ấm, cho nước lạnh vào đun đến sôi rồi uống nóng hoặc uống lạnh. Trà nụ vối non cũng được đun trong nước đến khi sôi hoặc, thường hơn, có thể được hãm trong nước sôi như cách hãm trà.
Một số bài thuốc hỗ trợ chữa bệnh bằng trà lá, trà nụ vối non:
- Chữa viêm đại tràng mạn tính, đau bụng âm ỉ, thường xuyên đi phân sống: lá vối tươi 200g, vò nát, thêm 2 lít nước sôi, ngâm trong 1 giờ để uống thay nước.
- Hỗ trợ điều trị tăng mỡ máu: trà nụ vối non 15 – 20g, hãm lấy nước uống thay trà trong ngày hoặc nấu thành nước đặc chia 3 lần uống trong ngày. Uống thường xuyên sẽ cho kết quả điều trị tốt. Hoặc dùng 5 loại hoa, gồm nụ vối, kim ngân hoa, hoa cúc, hoa đại, hoa mộc miên (hoa gạo), chế thành dạng trà, uống mỗi ngày, rất tốt cho người bệnh mỡ máu cao.
- Chữa đầy bụng, không tiêu: vỏ thân cây vối 6 – 12g, sắc kỹ lấy nước đặc uống 2 lần trong ngày hoặc dùng nụ vối 10 – 15g, sắc lấy nước đặc uống 3 lần trong ngày.
- Chữa lở ngứa, chốc đầu: lá vối vừa đủ nấu kỹ lấy nước để tắm, rửa nơi lở ngứa và gội đầu.
- Hỗ trợ điều trị viêm gan, vàng da: dùng rễ vối 200g sắc uống mỗi ngày.
Hãy là người đầu tiên nhận xét “Trà nụ vối non”